Sở hữu lợi thế đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, khu công nghiệp đô thị dịch vụ đang góp phần nâng cao hiệu quả của các khu công nghiệp và quá trình đô thị hóa.
Loại hình khu công nghiệp xây dựng theo hướng kết hợp giữa khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. Tại Việt Nam, từ đầu thế kỷ XX, khu công nghiệp đô thị dịch vụ bắt đầu nở rộ, đặc biệt tại các thành phố lớn và đô thị vệ tinh lân cận.
Khu công nghiệp đô thị dịch vụ là gì?
Khu công nghiệp đô thị dịch vụ được hiểu là mô hình kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của khu công nghiệp. Trong đó, mô hình phát triển song song giữ khu sản xuất công nghiệp và trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm ươm tạo doanh nghiệp, giáo dục, y tế, vui chơi giải trí,… để tạo nên một môi trường sống và làm việc tốt cho người lao động và chuyên gia.
Phân khu chức năng của khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định 82/2018/NĐ-CP, khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ gồm các khu chức năng sau đây:
- Khu công nghiệp là khu chức năng chính
- Khu đô thị – dịch vụ có chức năng hỗ trợ, cung cấp các dịch vụ tiện ích xã hội cho khu công nghiệp
Khu đô thị – dịch vụ trong mô hình khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ có thể bao gồm các phân khu chức năng như: Nhà ở, bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu và phát triển, trung tâm ươm tạo doanh nghiệp và một số hạng mục công trình kinh tế – xã hội khác cần thiết cho sự phát triển đồng bộ, bền vững của khu), được đầu tư xây dựng để đảm bảo sự phát triển hiệu quả, bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường của khu công nghiệp.
Ngoài ra, quy mô diện tích khu đô thị – dịch vụ tối đa không vượt quá một phần ba (1/3) quy mô diện tích khu công nghiệp.
Mục tiêu phát triển của các khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ
- Hình thành khu vực đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu công nghiệp, gắn kết giữa phát triển khu công nghiệp với quá trình đô thị hóa tại các địa phương.
- Giải quyết vấn đề nhà ở, công trình văn hóa, thể thao và các tiện ích xã hội khác đảm bảo cuộc sống của công nhân trong khu công nghiệp, phát triển khu công nghiệp theo hướng bền vững.
- Góp phần phân bố dân cư hợp lý tại các địa bàn trọng điểm tập trung nhiều khu công nghiệp, phát triển các khu đô thị mới với hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ.
- Hình thành khu vực công nghiệp, đô thị, dịch vụ với môi trường sinh sống, làm việc hiện đại, đầy đủ tiện nghi, tiện ích cho người dân, người lao động; hướng tới phát triển thành các thành phố công nghiệp, đô thị thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế.
(Theo điều 36 nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về Quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế)
Trình tự, thủ tục đầu tư khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ
- Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ có thể có một nhà đầu tư hoặc nhiều nhà đầu tư khác nhau thực hiện đầu tư phát triển toàn bộ kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các khu chức năng.
- Trường hợp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ trong một dự án tổng thể, nhà đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư áp dụng đối với dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp quy định tại pháp luật về đầu tư.
- Trường hợp thực hiện đầu tư theo từng dự án riêng cho từng khu chức năng thì nhà đầu tư của khu chức năng thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư tương ứng áp dụng đối với dự án theo quy định của pháp luật đầu tư và pháp luật chuyên ngành khác có liên quan.
- Khu chức năng đô thị – dịch vụ chỉ được triển khai đồng thời hoặc sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng các hạng mục công trình kết cấu hạ tầng cơ bản của khu công nghiệp.
- Các nhà đầu tư của các khu chức năng có trách nhiệm phối hợp để đảm bảo tính kết nối đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật; các khu chức năng đô thị – dịch vụ phải hỗ trợ cung cấp dịch vụ hạ tầng xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp.
- Sau khi hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư và Nghị định này, việc triển khai xây dựng, quản lý các phân khu chức năng trong khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ thực hiện theo quy định của pháp luật tương ứng với các khu chức năng.
(Theo điều 38 nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về Quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế)